-Linh giật mình nhìn sang, chàng thấy một người đàn ông đang kéo chiếc xe lôi từ phía đối diện. Linh nhận ra ngay ông già đạp xe lôi ở bến xe, chàng gật đầu lên tiếng chào:
_ Chào bác, bác ở tròng này hả?
Ông già nhe răng cười cúi đầu đáp:
_ Dạ, gia đình tui ở trong kia, thầy đi đâu tui chở mở hàng?
_ Dạ không, cháu đi uống cà phê vậy thôi.
Ông già khúm núm kéo chiếc xe nhường đường cho hai ông giáo. Thời đó được làm giáo sư hách xi xằng lắm. Phụ huynh học sinh rất kính trọng những nhà mô phạm, với niềm tin rằng giới giáo chức sẽ dạy dỗ con cháu họ nên thành người hữu ích cho xã hội, trở thành ông này bà nọ và làm vinh dự giòng họ, gia đình. Dưới mắt cha mẹ học sinh, những thầy cô là những con ngươi cao quí thánh thiện và tuyệt hảo, mà con em họ phải lấy đó làm tấm gương sáng. Cho nên giới mô phạm dù muốn hay không cũng vừa tự hào mình là một loại con người ngoại hạng và hảo hạng góp phần quyết định sự tiến bộ của xã hội và đất nước, vừa âu lo cố gìn giữ con người mình thanh cao sao cho tương xứng với niềm kính trọng của xã hội bằng nếp sống mực thước và đạo đức. Truyền thống đạo đức Á Đông đã tôn vinh những thầy cô lên thành một trong ba yếu tố thiêng liêng nhất của quốc gia: Quân - Sư - Phụ. Ngày này thì vua chúa không còn nữa, thay vào đó là Tổ Quốc, rồi vẫn đến thầy cô và cha mẹ. Bất cứ một em học sinh nhỏ nào cũng luôn được nhắc đến rằng: Cha Mẹ có công ơn nuôi nấng chúng ta đến trưởng thành, Thầy Cô có công ơn dạy dỗ chúng ta nên người.
Ngồi uống cà phê với bạn, mà Linh cứ mãi suy nghĩ chuyện đêm qua. Linh định trong lòng rằng, chút nữa chàng sẽ đi đến dãy phòng thí nghiệm xem có phải cô gái đã vào trường bằng cánh cửa cũ. Linh bâng khuâng nhìn ra cái chợ đang lên đến cao điểm nhộn nhịp, chợt ánh mắt chàng tình cờ rơi lên một chiếc áo bà ba bông tím nhỏ trong đám người ồn ào. Linh nghe trái tim chàng nện thình thình trong lồng ngực như muốn nhảy tung ra ngoài. Linh đứng lên để nhìn được rõ hơn. Chàng thấy một thiếu nữ vóc dáng rất giống cô gái giặt quần áo đêm qua, nhưng lúc ấy trời tối quá, Linh không chắc có phải chình là nàng không. Cô gái đang xách một cái giỏ nhựa căng cứng và có lẽ đang đi về. Linh muốn lắm, nhưng chàng không thể đuổi theo để nhận diện một cô gái giữa chôn đông đảo như thế này. Trường kéo tay bạn
_ Linh, đi đâu vậy, để mình kêu hủ tiếu.
Linh đành miễn cưỡng ngồi xuống, tự nhủ lòng rằng thôi cứ quên câu chuyện đó đi. Nói cho cùng thì có cái gì quan trọng đến nỗi chàng phải bận tâm đến thế đâu. Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, rồi sẽ phai nhạt dần theo thời gian. Nhưng khi đến lúc Linh sửng sốt trước cánh cửa gỗ bên cạnh dãy phòng thí nghiệm trường, với sợi lòi tói sắt và chiếc ống khóa chắc chắn, thì khuôn mặt chập chờn cùng nụ cười liêu trai huyền ảo của cô gái hồi đêm lại trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng chàng hơn bao giờ hết. Hàng trăm câu hỏi nhảy múa trong đầu của người giáo trẻ, như những con sóng biển vỗ vào ghềnh đá. Có phải nàng đã nói dối với chàng. Làm sao mà một cô gái yểu điệu nhỏ bé như thế có thể ôm một chiếc thau đầy quần áo leo qua dãy tường cao quá đầu người để vào đây chứ. Có thể nào được chứ. Cứ cho là nàng vào được đi, thì làm sao một cô gái trẻ dám ngồi một mình ở giữa khối bóng tối đen thẫm đầy dẫy những dọa nạt ghê rợn, mà chắc chắn nàng phải từng nghe người bên ngoài đã đồn đãi, đã kể cho nhau nghe nhiều chuyện ma quái trong sân trường. Dù chỉ là chuyện thêu dệt hay tưởng tượng đi nữa, đến những chàng trai hừng hực sức sống như Linh và Trường mà còn khóa cửa tử thủ trong phòng ngủ, thì chuyện một cô gái ngồi hát giữa chốn cô quạnh là một chuyện dị thường không thể tin được. Trừ khi Linh bị mắc chứng hoang tưởng thì không kể, chứ rõ ràng chàng đã trông thấy, đã ngửi hương tóc và đã trò chuyện với nàng. Với ngần ấy những điều vô cùng phi lý cho sự hiện diện của cô gái đơn độc giữa đêm khuya, đủ để Linh rùng mình đi đến một kết luận: có phải chàng NÀNG LÀ... MA.
Đột nhiên, trong tận cùng tiềm thức sâu thẳm của Linh, một tia chớp của ký ức bỗng loé lên, trời ơi, chàng đã nhớ ra rằng, ngay từ câu nói đầu, nàng gọi đúng tên Linh của chàng. Linh thẫn thờ ngồi trên cái bục xi măng tròn dưới cột cờ gần đó. Dòng ký ức dẫn dắt Linh trở lại khoảnh khắc tao ngộ, chàng nhớ đến ánh đèn pin chiếu vào chiếc ghế ngồi nhỏ của cô gái áo bông. Linh giật nẩy người như chạm phải điện. Ôi, chàng đã trông thấy đôi... guốc của nàng. Đã đành rằng thời đó những cô gái thường đi guốc, nhưng những tiếng guốc nện trước căn phòng ngủ của Linh và Trường với đôi guốc của thiếu nữ giặt đồ có những ràng buộc kết nối gì không, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu đúng là nàng, thì cô gái muốn gởi đến bọn chàng một bức thông điệp gì, hay chỉ đơn thuần làm cho bọn chàng sợ chết khiếp để nhanh chóng tháo dọn ra ngoài, trả lại cái cõi âm cho những linh hồn đã chiếm ngụ trong đó được bình yên thanh thản đời đời.
Buổi chiều, trong lúc Trường xa xóm chợ tìm thăm những ông giáo đang ngụ cư ngoài đó, chắc chàng ta muốn dọt thì phải, Linh gọi chú Năm cùng chàng đi một vòng những dãy lớp học. Linh tìm cách gạ hỏi chú Năm, mà chàng chắc ràng chú ở đây lâu, chú phải chứng kiến hay ít nhất nghe biết nhiều về những mảnh quá khứ đã xảy ra trong ngôi trường này:
_ Chú Năm ở đây lâu chưa?
Chú Năm nhăn trán suy nghĩ:
_ Năm nay tui sáu mươi rồi, tui vào đây đã hai mươi năm.
_ Lúc trước chú Năm ở đâu?
Giọng chú Năm rầu rầu:
_ Tui ở dưới quê, Pháp ruồng dữ quá nhưng tui với má tui nó còn sống qua ngày rau cháo được. Nhưng tới thời Nhựt thì chịu hết nổi thầy ơi, tụi nó ở có chưa đầy một năm mà làng quê mình tan nát hết...
_ Cháu nghe ông ba cháu kể, nói hồi đó miền Bắc chết đói hai triệu người, miền Nam mình nhiều người mặc quần áo bằng bao bố phải không chú?
Linh nghe tiếng thở dài đau đớn của chú Năm, mắt chú ngấn nước:
_ Còn hơn thế nữa thầy à, Nhật nó ác lắm, nó hốt lúa miền Nam đốt xe lửa chạy cho dân mình chết đói. Mấy đứa con tui tụi nó ở truồng không hà, lần lần rồi má tụi nó cũng... đi...
Chú Năm nghẹn lời, chú chỉ lắc đầu không nói được nữa. Vết thương mấy mươi năm tưởng đã đóng sẹo, giờ đây lại vỡ toác và ứa máu. Linh vô tình gợi lại trong chú Năm những dĩ vãng đau thương của một thời đất nước chìm đắm dưới cùm xích của Pháp, Nhựt, chàng thấy mình có lỗi nhiều. Linh nhẹ nắm lấy bàn tay thô ráp của chú Năm:
_ Cháu xin lỗi đã hỏi chú những chuyện không nên hỏi.
Chú Năm gạt nước mắt :
_ Không sao thầy à, phải kể cho thầy nghe, tui hy vọng mấy thầy dạy dỗ thế hệ trẻ lớn lên chúng xây dựng nước mình giàu mạnh để ngoại quốc tụi nó không dám hiếp đáp mình nữa...
Bầu nhiệt khí trong tim Linh cuồn cuộn bốc lên như những cơn bão dữ, chàng cắn môi:
_ Cháu xin hứa cháu sẽ dạy chúng như thế, cháu hứa!
Chú Năm kéo Linh bước vào ba căn phòng liền bên cạnh dãy nhà cầu thứ nhất, chú chỉ tay lên vách:
_ Mấy chục năm trước lúc tui mới vào gác trường, mấy căn phòng này còn âm u chớ không có sáng sủa như bây giờ. Lính Pháp nó giao lại cho chính phủ mình làm trường học. Mấy cái vách tường này Pháp nó sơn dầu hắc đen thùi hà thầy.
Linh ngạc nhiên vô cùng:
_ Để chi vậy chú?
Chú Năm nhìn trừng trừng lên màu nước vôi vàng, nhưng trước mắt lung linh một màu đen ảm đạm:
_ Để đánh đập dân mình máu văng lên không ai thấy?
Hai chân Linh bủn rủn, chàng loạng choạng, nghẹn thở:
_ Như vậy... như vậy... phải có nhiều người... chết ở đây lắm phải không?
Chú Năm rầu rầu:
_ Tui không rõ, nhưng chắc là có chớ, không có chúng bắt vô đây làm gì?
Phải cố gắng Linh mới dám hỏi một câu ghê rợn:
_ Chúng có bắt đàn bà con gái vào đây không?
Chú Năm nhìn Linh trợn mắt lên:
_ Làm gì không có?
_ Chúng làm gì?
Chú Năm nghiến răng:
_ Để làm gì thầy biết rồi, đâu cần phải hỏi nữa!
Chú Năm kéo thầy giáo Linh ngồi xuống chiếc băng ghế học trò dịu giọng:
_ Để tui kể cho thầy nghe một câu chuyện thương tâm mà tui nghe mấy ông bà cụ xóm ngoài kể lại đã xảy ra trong căn phòng này, thầy muốn nghe không?
Một nỗi bồi hồi xúc cảm dâng lên tỏng lòng chàng giáo trẻ:
_ Chú Năm kể đi, cháu muốn nghe lắm...